Nỗi đau mang tên Tiếng Anh

Nỗi đau mang tên Tiếng Anh

Chào bạn, mình là H3. Rất vui được gặp bạn ở đây.

Hôm nay, mình muốn tâm sự với bạn về một nỗi đau, về một nỗi trăn trở không chỉ của riêng mình mà của rất nhiều người trong chúng ta đây nữa - nỗi đau mang tên Tiếng Anh. Cuối cùng thì mình cũng đã hiểu ra được tiếng Anh là gì và làm sao để chiến thắng được nỗi đau này. Hãy dành một ít phút để thử đọc và cảm nhận những lời tâm sự từ tận đáy lòng của mình nhé. Cảm ơn bạn rất nhiều.
(Cho những ai thích nghe hơn đọc thì podcast của bài này tại đây nhé)


15 năm - đó là số năm cuộc đời mà tôi đã dành cho việc học tiếng Anh. Nhưng mà kết quả sau quãng thời gian đằng đẵng ấy gần như là con số 0 tròn trĩnh. Tiếng Anh như một rào chắn, hay chính xác hơn là một cánh cửa khổng lồ trước mắt tôi, ngăn cản tôi bước đến tương lai, không cho tôi tiếp cận những cánh cửa cơ hội khác. Và trong 15 năm ấy, tôi hằng ngày đâm, gõ, đục, đẽo… tìm mọi cách để xuyên thủng cánh cửa ấy. Nhưng mà, đó là một cánh cửa quá dày, quá cứng, và kết quả 15 năm trời học tiếng Anh chỉ là một vết xước nho nhỏ trên cánh cửa mà thôi. Và giờ tôi nhận ra rằng, nhiệm vụ của mình không phải là đục đẽo, mà là tìm ra chiếc chìa khoá phù hợp để mở cánh cửa này.

Vậy, chiếc chìa khoá đấy ở đâu?
Đó chính là việc bạn cảm nhận được nỗi đau tiếng Anh, hiểu được tầm quan trọng của tiếng Anh, và từ đấy tìm ra cho mình cảm hứng, động lực để học tiếng Anh. Chỉ khi học tiếng Anh với cảm hứng, với niềm đam mê, chúng ta mới có thể vượt qua rào cản tiếng Anh và mở ra cánh cửa của cuộc đời mình.

Các bạn ạ, nhiều người hay tự hỏi tại sao phải học tiếng Anh, tại sao tiếng Anh khó học đến thế, tại sao tôi không thể cảm nhận được nỗi đau tiếng Anh, hay không thể biến việc học tiếng Anh thành một nỗi trăn trở… Câu trả lời cho tất cả, đó là bởi vì tiếng Anh không trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Hãy thử hình dung về cuộc sống, công việc hiện tại của bạn, bạn có sử dụng tiếng Anh thường xuyên hay không, có bắt buộc phải dùng tiếng Anh hay không? Và nếu không có tiếng Anh thì sao? Tôi đoán câu trả lời sẽ là: công việc vẫn thế, sự nghiệp vẫn thế, có thể sẽ có khó khăn chút ít, nhưng ta vẫn thấy thoải mái cho dù thiếu vắng tiếng Anh.


Nhưng bạn ơi, đừng nghĩ rằng vì sự thoải mái ấy mà nghĩ rằng tiếng Anh không ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng cuộc đời của chúng ta đi lên như một con dốc, ta cứ đi lên, đi dần dần trên con đường đời đấy. Nhưng ta đã không nhận ra rằng, trên con đường đấy đã có nhiều cơ hội mà ta đã bỏ lỡ. Đó là những con dốc cao giúp ta tăng tốc, giúp ta phát triển nhanh hơn. Nhưng có một rào chắn vô hình đã che mắt ta khỏi những cơ hội phát triển đấy, và rào chắn đấy chính là tiếng Anh. Vì thiếu tiếng Anh mà những cơ hội đã trôi qua mà ta không được lựa chọn nắm bắt lấy hay không.
Có bạn sẽ nghĩ rằng: Ừ, thôi vậy, nếu không thể phát triển nhanh thì mình phát triển từ từ thôi cũng được. Nhưng mà, cho dù bạn phát triển từ từ trên con đường đấy, đến một độ cao nào đấy, tiếng Anh sẽ trở thành bức tường khổng lồ chắn ngang con dốc của chúng ta. Và lúc đấy, ta chỉ có thể đi ngang hoặc xuống dốc, và không thể phát triển hơn được nữa. Chính tiếng Anh vừa là bức tường nhưng cũng là chiếc chìa khoá để chúng ta tiếp tục phát triển. Nếu bạn chờ tận lúc đấy mới nhận ra điều đấy thì có quá muộn hay không?


Thêm một ví dụ khác, hãy hình dung cuộc đời và tương lai của chúng ta như một chiếc lá đang phát triển vậy. Đó là một chiếc lá xanh tươi, nhưng trên đó lại có một con sâu đang gặm nhấm. Con sâu này rất nhỏ, chúng ta không nhìn thấy hay cảm thấy được. Nhưng mà, con sâu đã và đang gặm nhấm chiếc lá mỗi ngày: từng giờ, từng phút, từng giây… Đến khi ta nhận ra thì chiếc lá đã bị cắn một vết thủng cực kỳ lớn rồi. Và càng ngày, khi sự nghiệp của chúng ta càng phát triển thì chiếc lá sẽ càng to và nặng hơn nữa. Rồi đến một ngày, khi chiếc lá đã bị cắn cuống này không thể chịu nổi sức nặng của bản thân nó nữa, nó sẽ rụng xuống. Và lúc đấy, chiếc lá không thể lớn thêm, cũng như chúng ta không thể phát triển hơn được nữa. Và nhiệm vụ của chúng ta là phải bắt được con sâu ngay từ khi nó mới chỉ bắt đầu gặm nhấm, khi mà chiếc lá vẫn còn lành lặn.

Để bắt được con sâu này thì chúng ta phải thấu hiểu nỗi đau chiếc lá bị gặm nhấm, và đó cũng chính là nỗi đau của việc thiếu tiếng Anh. Không lẽ chúng ta chờ đến khi chiếc lá rụng xuống, hay chính là lúc tiếng Anh thực sự ảnh hưởng đến chúng ta hay sao? Không, chúng ta không thể ngồi chờ đến khi nỗi đau nhức nhói thì mới hối tiếc được! Thay vì vậy, hãy cảm nhận nỗi đau từ những cơ hội mà ta đã mất trong quá khứ, mà nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu tiếng Anh. Ban đầu tôi cũng như bạn, không nhận ra tiếng Anh đã làm gì khiến cho ta đánh mất cơ hội. Nhưng tin tôi đi, hãy dành thời gian suy nghĩ, ngẫm nghĩ… Đã từng có khi nào trong quá khứ, ta đã có cơ hội, có cánh cửa mở ra trước mắt chúng ta, nhưng mà ta không thể bước vào đấy, không có quyền lựa chọn, bởi vì thiếu 2 chữ tiếng Anh hay không?

Mỗi người sẽ có những ký ức, những điều bỏ lỡ, những nỗi đau tiếng Anh của riêng mình. Còn đối với tôi, đó đã từng là một cơ hội đi sang trời Âu học tập, nghiên cứu khi tôi sắp hoàn thành đại học. Nếu nắm bắt lấy cơ hội đấy, tôi đã mở ra một con đường đường hoàn toàn khác với hiện tại. Nhưng mà, với một đứa thiếu hoàn toàn kỹ năng tiếng Anh thì mục tiêu IELTS 6.5 gần như là vô vọng.
Nỗi đau thứ hai là cơ hội lúc tôi đang làm việc ở bên Nhật. Tôi đã có cơ hội để chuyển mình từ một kỹ sư thuần thành kỹ sư với nhiệm vụ leader. Nhưng với sự thiết sót lớn về kỹ năng mềm và tiếng Anh, tôi đành phải nhường lại cơ hội đấy cho người phù hợp và xứng đáng hơn. Tôi đã bỏ lỡ một cơ hội mà phải 5, 7 năm nữa thì tôi mới có thể gặp lại.
Nỗi đau thứ ba, đó là cơ hội được trở thành một công dân toàn cầu. Tôi đã từng được phỏng vấn để làm thêm cho một công ty nước ngoài. Nhưng mà lúc ấy, ngoài kỹ thuật ra thì thiếu sót kỹ năng giao tiếp, mà cụ thể là tiếng Anh, là một bức tường mà tôi đã không thể vượt qua được. Trong thâm tâm, tôi hiểu rằng tiếng Anh là thiếu sót lớn nhất, làm sao ta có thể trở thành một công dân toàn cầu khi mà ta không thể giao tiếp trôi chảy, không thể nói ra suy nghĩ trong lòng của mình, và không thể hiểu được điều người khác nói.
Và cuối cùng, cũng chính là nỗi đau lớn nhất, nhục nhã nhất. Đó là lúc tôi đã thua một bàn thua trông thấy ngay trên sân nhà trước đối thủ của mình. Người ta làm ở một công ty nước ngoài, một công ty lớn top 10 thế giới, thì tôi làm sao có thể thắng được. Tôi có thể viện cớ là dù mình còn non nhưng vẫn còn thời gian để có thể trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm được. Nhưng mà sự thua kém về tiếng Anh đâu thể dựa vào thời gian để suy xét được đâu. 15 năm trời học tập cũng đâu khiến mình tự tin để so sánh với với những bạn mới chập chững học tiếng Anh đâu. Tôi đã thua một bàn thua nhục nhã, và điều đó khiến tôi cảm thấy đắng cay, đau đáu từ tận đáy lòng.

Và để vượt qua được những nỗi đau này, ta phải mở được cánh cửa học tiếng Anh. Một cánh cửa mà 15 năm trời ta không thể mở được, thì làm sao ta có thể có đủ dũng khí, đủ sự tự tin để có thể mở những cánh cửa lớn hơn đang chờ chúng ta phía trước. Đây chính là thử thách đầu tiên mà số phận bắt ta phải vượt qua, để có thể tiến đến một tương lai rực rỡ. Bạn của tôi ơi, hãy cùng cố gắng học tiếng Anh, cố gắng để giỏi tiếng Anh hơn mỗi ngày nào! Hãy khắc ghi những nỗi đau và nhắc lại nó mỗi ngày. Cố gắng, Cố gắng, Cố gắng học tiếng Anh!

Và cuối cùng, cảm ơn bạn đã lắng nghe tâm sự của tôi. Đây đều là những lời từ tận đáy lòng mà hằng ngày tôi tự nhắc lại cho bản thân. Và nếu định mệnh đã đưa bạn đến đây và sau khi đọc hết bạn cảm nhận được một điều gì đấy, thì hãy chia sẻ và bình luận để mình và mọi người có thể cùng tâm sự nhé.

Cùng đồng hành với tôi trên chặng đường học tiếng Anh là Giao tiếp hằng ngày với người bản xứ cùng Lucero Đinh và Nghe podcast nhẹ nhàng mỗi buổi sáng cùng lamlam_story. Cảm ơn bạn rất nhiều.

Recent Posts

  • Series of IC design

  • Nỗi đau mang tên Tiếng Anh

  • Best epic moment in anime (Kirito vs the Gleam Eyes)

  • おはよう みんなさん! (Hello everyone!)

  • Introduction about RISC-V instruction set Architecture

  • Paper Machine Learning Enabled Power-Aware Network-on-Chip Design